Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng năm 2022 diễn ra trong bối cảnh thực hiện tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; tình hình quốc tế diễn biến phức tạp do cuộc chiến giữa Nga và Ukcraina ảnh hưởng trực tiếp, đa chiều đến tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới và khu vực. Tuy nhiên, với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022; cùng với triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ nên đến nay tỉnh Thái Nguyên đã đạt được một số kết quả nhất định. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt gần 673,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ và bằng 73,2% KH năm; Giá trị xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh ước đạt 25,08 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ và bằng 78,3% KH năm; tổng mức bản lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng ước đạt 39.374,1 tỷ đồng, tăng 22,4%, bằng 78,8% KH năm.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2022

1. Chỉ tiêu kế hoạch năm 2022

Giá trị sản xuất công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (giá so sánh 2010): 920.000 tỷ đồng, tăng 9% so với ước thực hiện năm 2021.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 50.360 tỷ đồng, tăng 12,5% so với ước thực hiện năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu: Giá trị xuất khẩu đạt 32.022 Tr.USD, tăng 9% so với ước thực hiện năm 2021. Trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 11%.

2. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu

2.1. Giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN)

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2022(giá so sánh năm 2010)ước đạt 673,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ, bằng 73,2% KH cả năm. Trong đó:

+ Công nghiệp địa phương đạt 29.984,9 tỷ đồng, tăng 13,2%, bằng 75% KH năm;

+ Công nghiệp Trung ương đạt 22.461,5 tỷ đồng, tăng 11,8%;

+ Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 621 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6%.

Một số sản phẩm công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ: Sản phẩm may đạt 71,7 Tr.SP, tăng 24,8%, bằng 82,4% KH năm; thiết bị dụng cụ khác trong y khoa đạt 1.200 Tr.SP, tăng 20,7%; Vonfram và sản phẩm của vonfram đạt 14,7 nghìn tấn, tăng 16,9%, bằng 81,4% KH năm; nước máy thương phẩm đạt 24,2 Tr.m3, tăng 6,3%, bằng 69,1% KH năm; điện thương phẩm đạt 4.248 Tr.kwh, tăng 5,2%, bằng 71,2% KH năm; xi măng đạt 2,1 triệu tấn, tăng 2,1%, bằng 69,2% KH năm.

Một số sản phẩm công nghiệp giảm so với cùng kỳ: Điện sản xuất đạt 1.177 Tr.kwh, giảm 0,9%; than khai thác đạt 1 triệu tấn, giảm 3,7%, bằng 68,5% KH năm; sắt thép các loại đạt 1,1 triệu tấn, giảm 6,7%, bằng 62,9% KH năm; đồng tinh quặng đạt 29,4 nghìn tấn, giảm 21,1%...

2.2. Kinh doanh thương mại, dịch vụ, chỉ số giá tiêu dùng

Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bản lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng ước đạt 39.374,1 tỷ đồng, tăng 22,4%, bằng 78,8% KH năm. Trong đó:

+ Khu vực Nhà nước đạt 1.726,4 tỷ đồng, tăng 6,3%;

+ Khu vực ngoài Nhà nước đạt 37.564,9 tỷ đồng, tăng 23,3%;

+ Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 82,8 tỷ đồng, tăng 24,6%.

Tính chung 9 tháng năm 2022 chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước.

2.3. Kim ngạch xuất, nhập khẩu

Xuất khẩu

Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh ước đạt 25,1 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ và bằng 78,3% KH năm. Trong đó:

+ Khu vực Trung ương đạt 11,1 Tr.USD, giảm 11,6%;

+ Khu vực địa phương đạt 516 Tr.USD, tăng 18,7%, bằng 81,8% KH năm;

+ Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 24.554,1 Tr.USD, tăng 18,5%.

Một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ: Kim loại màu và tinh quặng kim loại màu đạt 231,3 Tr.USD, tăng 22,8%; phụ tùng vận tải đạt 5 Tr.USD, tăng 19,9%; sản phẩm từ sắt thép đạt 29,1 Tr.USD, tăng 19,8%; nhóm điện thoại, máy tính bảng và điện tử khác ước đạt 23,9 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ (trong đó: Sản phẩm điện tử khác và phụ tùng đạt 18,3 tỷ USD, tăng 48,1%; máy tính bảng đạt 2,1 tỷ USD, tăng 19,7%; điện thoại thông minh đạt 3,6 tỷ USD, giảm 39,5% so với cùng kỳ); giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 2,9 Tr.USD, tăng 5,6%; chè các loại đạt 1,6 Tr.USD, tăng 2,6%; sản phẩm may đạt 348,5 Tr.USD, tăng 2,3%…

Nhập khẩu

Giá trị hàng hoá nhập khẩu trên địa bàn ước đạt gần 15 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Trong đó:

+ Khu vực kinh tế trong nước ước đạt 315,5 Tr.USD, tăng 33% so với cùng kỳ;

+ Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ.

Một số mặt sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ: Nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc đạt 42,4 Tr.USD, tăng 44%; sản phẩm từ sắt thép đạt 32,9 Tr.USD, tăng 37,2%; giấy các loại đạt 5,2 Tr.USD, tăng 32,8%; chất dẻo (plastic) nguyên liệu đạt 86,4 Tr.USD, tăng 22,9%; nguyên liệu và linh kiện điện tử đạt 14,1 tỷ USD, tăng 15,8%; vải và nguyên phụ liệu dệt may đạt 167,4 Tr.USD, tăng 10,5%; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng đạt 109,1 Tr.USD, tăng 7,2%...

3. Công tác quản lý nhà nước

Hướng dẫn, giám sát, kiểm tra thực hiện các Chương trình, đề án, dự án thuộc lĩnh vực Ngành quản lý năm 2022.

Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành: Kế hoạch thực hiện các hoạt động phục vụ tết Nguyên đán Nhâm dần năm 2022; Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thương mại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022-2026; Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; dự thảo Quyết định phê duyệt danh sách khách hàng quan trọng và danh sách khách hàng khi cần phân bổ mức công suất sử dụng điện trên địa bàn tỉnh; chỉ thị về tổ chức đón tết Nguyên đán năm 2022; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và Chương trình phát triển thương mại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; Quyết định thành lập Ban tổ chức Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm - Thái Nguyên năm 2022”; quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương…

Xây dựng Chương trình công tác ngành Công Thương Thái Nguyên năm 2022; kế hoạch cải cách hành chính năm 2022; kế hoạch công tác năm 2022 của ngành công thương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; quy chế quản lý, sử dụng tài sản công và khoán chi tiêu nội bộ - phân phối thu nhập của cơ quan Sở Công Thương năm 2022; tham mưu đề xuất chỉ tiêu tiêu chí và hướng dẫn thực hiện trong tiêu chí xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Tân Dương; hướng dẫn thành lập, mời gọi nhà đầu tư cụm công nghiệp Yên Ninh; xây dựng dự thảo văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; thẩm định các hồ sơ đề xuất dự án đầu tư các khu dân cư, khu đô thị, điểm dân cư nông thôn tại các huyện, thành phố, thị xã; triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 24/01/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp; đề nghị các thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu hoạt động, sản xuất kinh doanh; thông báo đến các doanh nghiệp, thương nhân về việc đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động xuất nhập khẩu; tiếp tục triển khai thực hiện tốt luật phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ; xây dựng Kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022; kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản của các tỉnh, thành phố trong nước; tuyên truyền hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất năm 2022; tổ chức huấn luyện cho người quản lý, chỉ huy nổ mìn của các đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; tổ chức các hoạt động hưởng ứng tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2022; dự trữ hàng hóa trong thiên tai năm 2022;

Nghiên cứu, tham gia ý kiến vào các dự thảo Nghị định, thông tư hướng dẫn, chương trình, quy hoạch, đề án... liên quan đến lĩnh vực ngành; thẩm định các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh.

Công tác Thanh tra: Thực hiện 14 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (05 cuộc thanh tra, 09 cuộc kiểm tra). Số cuộc đã ban hành kết luận là 11 cuộc/47 đơn vị. Kết quả: Xử lý vi phạm về kinh tế: Thu hồi về ngân sách nhà nước 8.294.996 đồng (Tám triệu hai trăm chín mươi tư nghìn chín trăm chín mươi sáu đồng); xử lý vi phạm hành chính: Ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng số tiền xử phạt 239.000.000 đồng (Hai trăm ba mươi chín triệu đồng).  

- Tham gia các cuộc thanh, kiểm tra và giải quyết các vụ việc khác: Đoàn kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời điểm cuối năm 2021, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; thụ lý và giải quyết đơn tố cáo của Ông Trần Văn Hà đối với Hợp tác xã Dịch vụ điện Phúc Thuận.

Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính: Sở Công Thương đã tiếp nhận 15.242 hồ sơ. Cụ thể các lĩnh vực: An toàn thực phẩm 44 hồ sơ; điện 22 hồ sơ; công nghiệp địa phương 09 hồ sơ; hóa chất: 01 hồ sơ; kinh doanh khí 02 hồ sơ; lưu thông hàng hóa trong nước 100 hồ sơ; quản lý cạnh tranh 12 hồ sơ; thương mại quốc tế 04 hồ sơ; vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ 66 hồ sơ; xúc tiến thương mại 14.969 hồ sơ; hoạt động xây dựng 13 hồ sơ. Tổng số hồ sơ đã giải quyết 15.206 hồ sơ (trong đó giải quyết trước hạn 588 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 14.618 hồ sơ); đang giải quyết 36 hồ sơ; không có hồ sơ nào bị quá hạn.

Thực hiện đẩy mạnh công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh...

- Công tác quản lý cụm công nghiệp: Hoàn thiện phương án phát triển Cụm công nghiệp và tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện công tác thẩm định hồ sơ điều chỉnh Quyết định thành lập cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 và Cụm công nghiệp Phú Lạc 2; tham mưu lựa chọn chủ đầu tư cụm công nghiệp Sơn Cẩm 2. Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 15 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích 526,14ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đạt 39%, có 65 dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 9.433 tỷ đồng, tổng số lao động làm việc trong các cụm công nghiệp là 9.803 người...

Duy trì, phát triển: Trang Website, Bản tin Kinh tế Công Thương, Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên, website chè và truy xuất nguồn gốc hỗ trợ doanh nghiệp mã QR-code; dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4; công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định.

III. Nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2022

- Tổ chức quản lý có hiệu quả và hướng dẫn thực hiện các Chương trình, Đề án, Kế hoạch đã xây dựng; triển khai các đề án thuộc: Chương trình phát triển Công nghiệp – TTCN giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại giai đoạn 2021-2025; Chương trình công tác năm 2022 của ngành Công Thương…

- Tiếp tục cải cách hành chính, đảm bảo công khai và giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến cấp phép cho các nhà đầu tư; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng; thẩm định, cấp giấy phép, giấy chứng nhận thuộc lĩnh vực quản lý của ngành; tham gia ý kiến thiết kế cơ sở dự án đầu tư các công trình Công Thương.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại góp phần khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và phát triển sản xuất (đặc biệt là các ngành nghề mới, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất các sản phẩm mũi nhọn có tiềm năng, lợi thế của tỉnh).

- Thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, thu hút đầu tư, hỗ trợ thị trường và tiêu thụ sản phẩm; tập trung xây dựng và đề xuất các cơ chế thu hút nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, đặc biệt là chuyển đổi mô hình quản lý chợ, mô hình quản lý cụm công nghiệp, TTCN; tổ chức lưu thông hàng hoá, kết nối tiêu thụ nông sản; trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên.

- Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2022.

- Tiếp tục duy trì: Trang thông tin điện tử Sở Công Thương; Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên; phần mềm hỏi đáp; phần mềm bản đồ số cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Phần mềm cơ sở dữ liệu doanh nghiệp; Website chè và truy xuất nguồn gốc; triển khai nâng cấp sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên.

- Chủ trì hoặc phối hợp tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra; tiếp nhận, giải quyết và trả lời các đơn thư khiếu nại về lĩnh vực công thương; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thị trường, giá cả, chất lượng hàng hoá và vệ sinh an toàn thực phẩm… kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022 của ngành Công Thương./.

Báo cáo chi tiết kèm theo