CôngThương - Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã tập trung phân tích bối cảnh kinh tế thế giới, những xáo trộn trên các thị trường mới nổi, những thay đổi trong môi trường kinh doanh quốc tế… và các biện pháp ứng phó của Việt Nam.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Tốc độ lạm phát dù đã giảm nhưng vẫn ở mức khá cao, ảnh hưởng trước hết đến chất lượng cuộc sống của nhân dân. Theo tôi, Chính phủ cần phân loại rõ từng đối tượng (người làm công ăn lương, nông dân, người nghèo thành thị…) để có chính sách hỗ trợ phù hợp. |
Theo ông Đỗ Ngọc Huỳnh - Chuyên gia Vụ kinh tế Tổng hợp Văn phòng Chính phủ - từ cuối năm 2010, Chính phủ đã xác định mục tiêu tập trung kiềm chê lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, bước vào năm 2011, tình hình trong nước và quốc tế lại xuất hiện những khó khăn, thách thức mới, trong đó, xu hướng kinh tế thế tăng trưởng chậm lại, khủng hoảng chính trị ở một số quốc gia, khu vực, thiên tại diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, giá cả nhiều mặt hàng tăng và duy trì ở mức cao… Ở trong nước, lạm phát có dấu hiệu tăng cao trở lại, mặt bằng lãi suất tăng cao, tỷ giá chưa ổn định, giá vàng tiếp tục biến động mạnh… ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô và ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân.
Trước thực tế đó, Chính phủ đã đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP với mục tiêu tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó đưa ra những giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ, thận trọng; đồng thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng…
Sau một thời gian tích cực thực hiện, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã có bước tăng trưởng, tỷ giá, thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại tệ trong các ngân hàng… đã dần ổn định. Các chỉ tiêu thu ngân sách, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách… đều đạt khá. Hầu hết các ngành kinh tế đều tăng trưởng khả quan, giúp GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,6%.
Tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất, kinh doanh… đã giúp đảm bảo an sinh, xã hội, bảo đảm việc làm, thu nhập và nâng cao một bước đời sống của nhân dân.
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đại diện Văn phòng Chính phủ kiến nghị, cần kiên trì, quyết liệt và thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả hơn nữa chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 11. Theo đó, với chính sách tiền tệ, cần tiếp tục nâng cao tính ổn định, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ tài chính để hạ dần mặt bằng lãi suất, đảm bảo thanh khoản hệ thống, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực trọng yếu. Về chính sách tài khóa, chú trọng tăng thu, tiết kiệm chi và giảm bội chi ngân sách. Đồng thời tiến hành rà soát cắt giảm đầu tư công, tăng cường kiểm soát nợ Chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài quốc gia.
Ngoài ra, đại diện Văn phòng Chính phủ cũng nếu một số kiến nghị về điều hành chính sách thương mại, giá cả, thị trường,song song với việc khuyến khích đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết kiệm năng lượng…
Về chính sách bảo đảm an sinh xã hội, cần tiếp tục tăng cường nguồn lực đảm bảo đời sống cho người nghèo. Cùng với đó tập trung thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia hướng đến người nghèo và đối tượng khó khăn trong xã hội, trong đó chú ý tính trọng tâm, trọng điểm và phủ hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
*Theo Báo Công Thương