Theo đó, trong tháng 3/2024, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Trung tâm Khuyến công) triển khai đoàn công tác thẩm định cơ sở đề án khuyến công địa phương năm 2024 tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đồng thời Trung tâm tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với Phòng Quản lý công nghiệp & Năng lượng (Sở Công Thương), Phòng Kinh tế, Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở công nghiệp nông thôn bám sát quy định về khuyến công để xây dựng chương trình, đề án sát nhu cầu và tình hình thực tế của mỗi địa phương.
Đoàn công tác làm việc tại cơ sở công nghiệp nông thôn
trên địa bàn xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên
Chỉ tính riêng trong năm 2023, Trung tâm Khuyến công đã thực hiện và hoàn thành 27 đề án thuộc chương trình khuyến công. Trong đó có 3 đề án khuyến công quốc gia và các đề án khuyến công địa phương hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị sản xuất trong các nhóm ngành: Chế biến lâm sản, nông sản; cơ khí; vật liệu xây dựng… Để có được kết quả này, ngành Công Thương đã bám sát các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, sản xuất công nghiệp của tỉnh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố thực hiện các bước khảo sát để lựa chọn những đơn vị đủ điều kiện tham gia chương trình; xem xét và lựa chọn những sản phẩm đảm bảo yêu cầu về chất lượng, số lượng, mẫu mã, để hỗ trợ đầu tư, mở rộng thị trường. Trong đó ưu tiên hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm mới… Từ đó, hoạt động khuyến công đã góp phần tạo động lực khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển một số sản phẩm mới.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác khuyến công; chú trọng công tác thẩm định, rà soát, quản lý kinh phí, hiệu quả, chất lượng các đề án khuyến công được nâng cao, tạo động lực khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị; chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống, thủ công sang tự động hóa, hiện đại hóa, giải phóng sức lao động, cải tiến năng suất, chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; mang lại hiệu quả thiết thực trong chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế nông thôn, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển bền vững./.
CTV.XTTM