Năm 2011 nên kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng không tốt đến sản xuất, kinh doanh và đầu tư của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn với các doanh nghiệp, Trong năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, nâng cao đời sống cho nhân dân và tạo ra bộ mặt nông thôn mới.
Năm 2011, với nguồn kinh phí khuyến công được giao trên 3 tỷ đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm triển khai hỗ trợ cho nhiều đề án, đối tượng và nhiều lĩnh vực hơn. Một trong các nội dung được Trung tâm đặc biệt chú trọng quan tâm là công tác hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã phối hợp với các đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 7 đề án đào tạo nghề, đào tạo được 770 lao động tại các cơ sở sản xuất công ngiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, được tập trung vào các nghề: May Công nghiệp, nghề mộc, sản xuất và chế biến chè….
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã phối hợp với các đơn vị dạy nghề triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động tại các cơ sở sản xuất công ngiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ảnh Hà Thắng
Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí đào tạo, tổ chức lớp học, Trung tâm còn phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp nông thôn thu hút các học viên vào làm việc và họ đã trở thành lực lượng lao động kỹ thuật nòng cốt tại các doanh nghiệp, giúp cho các doanh nghiệp cũng như làng nghề phát triển được nghề, nâng cao năng lực sản xuất.
Cùng với các cơ sở sản xuất trên địa bàn, năm 2011 Cơ sở sản xuất đồ gỗ cao cấp Khanh Vân, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình phải đối mặt với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Theo anh Lê Xuân Khanh, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ cao cấp Khanh Vân thì để các cơ sở duy trì hoạt động trong giai đoạn hiện nay, cần phải đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng, sản lượng giảm sức lao động của công nhân.
Với suy nghĩ đó, vừa qua được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp với số vốn là 50 triệu đồng, cơ sở sản xuất của anh đã mạnh dạn đầu tư một máy làm mộc đa năng trị giá hơn 100 triệu đồng.
Hiện nay cơ sở sản xuất đồ gỗ của anh Khanh đã từng bước ổn định và phát triển, tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương, với mức lương trung bình 3 triệu đồng một người/ tháng.
Năm 2011, Bằng nguồn vốn trung ương, và địa phương Trung tâm đã và đang triển khai thực hiện 20 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ trên 2 tỷ đồng; trong đó: 06 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật với tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ trên 1 tỷ đồng (01 đề án khuyến công quốc gia kinh phí hỗ trợ 150 triệu đồng và 05 đề án khuyến công địa phương kinh phí hỗ trợ 1.030 triệu đồng); 14 đề án hỗ trợ chuyển giao ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, kinh phí khuyến công hỗ trợ 1.060 triệu đồng.
Với nguồn vốn này Trung tâm đã hỗ trợ được, xây dựng được nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật đem lại được hiệu quả thiết thực cho các đơn vị sản xuất. Điển hình như mô hình sản xuất gạch theo công nghệ nung tuynel của Công ty TNHH Quang Trung, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương; Mô hình may của công ty Cổ phần may Thành Hưng của huyện Phú Bình; Đầu tư thiết bị cho xưởng cơ khí Chinh Phong, huyện Phú Bình....
* Theo Thainguyentv.vn