Đến nay, người làm chè Thái Nguyên đã không ngừng nỗ lực học hỏi kinh nghiệm qua các lớp tập huấn của các sở, ngành, địa phương về chăm sóc và chế biến tạo ra những sản phẩm trà có chất lượng cao. Cây chè ngày càng giữ vị trí, vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, với diện tích trên 22.200 ha lớn nhất toàn quốc, 193 sản phẩm trà được chứng nhận OCOP từ 3-5 sao, giá trị sản phẩm trà đạt 13,8 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa vinh danh sản phẩm trà của Thái Nguyên. Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Thái Nguyên đã tổ chức nhiều chương trình sự kiện, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; tổ chức lớp tập huấn chuyển đổi số về mô hình phát triển chè và kinh doanh qua nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội (Tiktok, Shopee) để các đơn vị doanh nghiệp, HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với xu thế thị trường và đem lại doanh thu cao.
Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng, lợi thế, giá trị của cây chè, ngành chè của tỉnh còn có những hạn chế về quỹ đất để mở rộng vùng nguyên liệu; quy mô sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã còn nhỏ lẻ, chưa có nguồn đầu tư lớn từ các doanh nghiệp FDI; cần có chương trình hành động trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi để phát triển ngành chè. Theo đó, tỉnh đề ra mục tiêu cho năm 2030 cụ thể như: Diện tích chè toàn tỉnh khoảng 24.500ha; sản lượng chè búp tươi đạt trên 300.000 tấn; 70% diện tích chè được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; được cấp mã số vùng trồng; 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè và các sản phẩm từ chè đảm bảo quy định an toàn thực phẩm. 100% doanh nghiệp, hợp tác xã có vùng nguyên liệu chè ứng dụng công nghệ số trong canh tác, quản lý chuỗi. Có ít nhất 250 sản phẩm trà đạt OCOP 3-5 sao, trong đó có ít nhất 6 sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao; 100% sản phẩm trà và sản phẩm từ chè được thương mại điện tử trên các nền tảng số…
Nghị quyết số 11 được ban hành nhằm tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị cao của tỉnh đối với ngành chè. Đây là thực tiễn để thực hiện nhằm đưa giá trị cây chè và văn hóa trà Thái Nguyên vươn xa trong thời gian tới./.

CTV. TTKT