Toàn cảnh Chương trình
Tham dự lớp tập huấn có hơn 90 học viên là cán bộ quản lý khuyến công, cán bộ quản lý công nghiệp phòng Kinh tế, Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố; đại diện các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nội dung tập huấn thông tin, phổ biến, truyền đạt nội dung Chương trình Khuyến Công tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021- 2025, các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công, văn bản hướng dẫn một số nội dung về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch khuyến công hàng năm. Đồng thời, hướng dẫn về công tác chuyên môn và một số kỹ năng xây dựng kế hoạch, lập đề án, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát thực hiện đề án khuyến công; hướng dẫn xây dựng kế hoạch; Phổ biến các văn bản pháp luật mới về công tác khuyến công; Phổ biến các nội dung liên quan đến pháp luật về kế toán, hướng dẫn xây dựng dự toán chi tiết đề án Khuyến công, hướng dẫn thanh quyết toán, tập hợp chứng từ chi và hoạch toán kế toán.
Đồng chí Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn
phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Bên cạnh đó, các cơ sở công nghiệp nông thôn được tiếp cận, phổ biến các thông tin về cơ chế, chính sách chuyển đổi số góp phần gia tăng tính minh bạch và hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí và tăng năng lực làm việc, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Giới thiệu về “Sản xuất sạch hơn” (SXSH) và thực tiễn áp dụng ở Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện tiếp cận này trong phát triển công nghiệp bền vững; trao đổi các thông tin về thách thức và lợi ích; các bài học kinh nghiệm trong thực tiễn áp dụng sản xuất sạch hơn, thúc đẩy thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tại Thái Nguyên.
Các học viên tham dự Chương trình
Thông qua buổi tập huấn đã giúp các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh vận dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khoẻ con người và bảo đảm phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tạo điều kiện giúp các cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng lực tư vấn và thực hiện SXSH. Từ đó góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng và phát triển công nghiệp của tỉnh nhà nói chung./.
CTV.XTTM