Thời gian qua, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được vận hành tương đối ổn định qua đó đã đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên theo báo cáo của Công ty Điện lực Thái Nguyên, kết thúc năm 2022 số vụ sự cố liên quan đến hệ thống lưới điện trung áp do khách hàng tự quản lý chiếm khoảng 23,5% số vụ sự cố đường dây trung áp trên địa bàn tỉnh, làm ảnh hưởng tới việc đảm bảo cấp điện của các khách hàng khác.

Một trong những nguyên nhân chính để xảy ra các sự cố trên là do một số các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp riêng chưa đủ năng lực quản lý, vận hành và chưa thực hiện đầy đủ việc duy tu bảo dưỡng, kiểm định định kỳ theo các quy định pháp luật hiện hành về an toàn trong sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh.

Để đảm bảo vận hành an toàn ổn định, liên tục hệ thống lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh chính trị tại địa phương; Sở Công Thương Thái Nguyên đề nghị các đơn vị, tổ chức, cá nhân có đường dây, trạm biến áp riêng sử dụng điện để sản xuất, kinh doanh:

1. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Điện lực số 28/2004/QH11; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực số 24/2012/QH13 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực về đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, cụ thể:
1.1. Tổ chức cá nhân có đường dây, trạm biến áp riêng chịu trách nhiệm đầu tư để cải tạo, nâng cấp đường dây, trạm biến áp riêng của mình khi đơn vị truyền tải điện, phân phối điện xác định đường dây, trạm biến áp riêng đó không đảm bảo tiêu chuẩn vận hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
1.2. Đơn vị sử dụng lưới điện phân phối có trách nhiệm: 
- Xây dựng quy trình quản lý vận hành, thí nghiệm, bảo dưỡng sửa chữa thiết bị điện và lưới điện trong phạm vi quản lý phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và quy định của nhà chế tạo.
- Quản lý vận hành, bảo dưỡng sửa chữa thiết bị điện và lưới điện trong phạm vi quản lý đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Mục 2, Chương V, Thông tư Quy định hệ thống điện phân phối (Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BCT ngày 06/01/2023 của Bộ Công Thương); các cam kết trong Thỏa thuận đấu nối, hợp đồng mua bán điện và các quy định pháp luật hiện hành.
- Tuân thủ lệnh điều độ của Cấp điều độ có quyền điều khiển theo Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia, Quy trình xử lý sự cố trong hệ thống điện quốc gia, Quy trình thao tác trong hệ thống điện quốc gia do Bộ Công Thương ban hành.
- Cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho Đơn vị phân phối điện để lập kế hoạch vận hành, kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điện phân phối.
- Phối hợp với Đơn vị phân phối điện duy trì chất lượng điện năng và vận hành kinh tế hệ thống điện phân phối theo thỏa thuận với Đơn vị phân phối điện.
1.3. Có đầy đủ các tài liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn điện; các hướng dẫn như: Quy trình, nội quy và biện pháp tổ chức thực hiện các quy định về an toàn điện tại cơ quan, doanh nghiệp trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện hiện hành. Thiết lập hồ sơ, lý lịch, tài liệu kỹ thuật liên quan đến thiết bị điện và tổ chức quản lý theo quy định.
1.4. Tại các vị trí vận hành phải có đầy đủ các quy trình: Vận hành thiết bị xử lý sự cố điện; sơ đồ lưới điện, nội quy phòng cháy, chữa cháy, sổ nhật ký vận hành, dụng cụ, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, biển cấm, biển báo và các dụng cụ, phương tiện khác theo quy định.
1.5. Bố trí người lao động làm việc vận hành, thí nghiệm, xây lắp, sửa chữa đường dây điện hoặc thiết bị điện phải đảm bảo đủ các điều kiện: (i1) Được đào tạo về nghiệp vụ, kỹ thuật đúng yêu cầu ngành nghề; (i2) Được huấn luyện và cấp thẻ an toàn điện.
1.6. Sử dụng các thiết bị điện có chứng chỉ chất lượng hoặc nhãn mác đăng ký chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được kiểm định và phù hợp với các quy định khác có liên quan.
1.7. Xây dựng ban hành kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn sự cố, tai nạn. Trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn về điện phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp cần thiết để cấp cứu người bị nạn, giảm nhẹ thiệt hại về người, tài sản; phải tổ chức điều tra xác định, phân tích nguyên nhân kịp thời; kiểm điểm, xác định trách nhiệm. Tổ chức hoặc tham gia tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về công tác an toàn điện.
1.8. Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân có đường dây, trạm biến áp riêng sử dụng điện để sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ hoặc không đủ năng lực thực hiện các quy định đã nêu ở trên có thể hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực theo quy định của pháp luật để quản lý, vận hành đường dây, trạm biến áp của mình.
1.9. Thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện (Quy định tại Thông tư 33/2015/TT-BCT và Thông tư 28/2017/TT-BCT).
2. Chế độ báo cáo kết quả thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện
2.1. Đối với các đơn vị đã thực hiện kiểm định theo quy định: Tổng hợp, gửi báo cáo kết quả về Sở Công Thương Thái Nguyên trước ngày 30/5/2023 theo địa chỉ: Số 366/1 đường Bắc Kạn, thành phố Thái Nguyên.
(biểu báo cáo gửi kèm văn bản này)
2.2. Đối với các đơn vị chưa thực hiện kiểm định theo quy định
- Lựa chọn tổ chức kiểm định đủ điều kiện theo quy định pháp luật.
- Xây dựng danh mục các thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định để theo dõi, quản lý theo quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện.
Tổng hợp, gửi báo cáo kế hoạch thực hiện kiểm định, danh mục theo dõi thiết bị kiểm định về Sở Công Thương trước ngày 30/6/2023 theo địa chỉ: Số 366/1 đường Bắc Kạn, thành phố Thái Nguyên.
3. Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống điện trước mùa mưa bão
- Tăng cường kiểm tra, rà soát lại toàn bộ lưới điện, hệ thống thiết bị điện trước mùa mưa bão, đặc biệt là việc thí nghiệm định kỳ các thiết bị điện, trạm điện, tiếp địa; kiểm tra cụ thể các điểm xung yếu, những khiếm khuyết trên lưới và thiết bị, kịp thời phát hiện và khắc phục những điểm yếu có nguy cơ xảy ra mất an toàn; đồng thời có kế hoạch tu bổ, sửa chữa khắc phục các tồn tại, khiếm khuyết để sẵn sàng và chủ động trong việc phòng chống thiên tai, lụt bão.
- Tổ chức kiểm tra, phát quang hành lang lưới điện; thực hiện sửa chữa hoặc thay thế các thiết bị không đảm bảo tiêu chuẩn vận hành hoặc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận hành; có phương án vận hành, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, phương tiện... sẵn sàng khắc phục nhanh mọi sự cố do mưa bão gây ra. 
4. Thực hiện Quy trình phối hợp quản lý vận hành với đơn vị phân phối điện (Công ty Điện lực Thái Nguyên).
- Tăng cường công tác phối hợp với đơn vị phân phối điện (Công ty Điện lực Thái Nguyên) theo Quy trình phối hợp quản lý vận hành đã được ký giữa hai bên và cung cấp thông tin, điều tra sự cố, phân tích các nguyên nhân để có cơ sở, biện pháp phòng ngừa. 
- Phối hợp với Công ty Điện lực Thái Nguyên trong việc thực hiện kiểm tra và giám sát vận hành các thiết bị đấu nối theo quy định tại Điều 52 Thông tư Quy định hệ thống điện phân phối. Trường hợp không tuân thủ các quy định về đảm bảo vận hành lưới điện, Sở Công Thương sẽ yêu cầu Công ty Điện lực Thái Nguyên xem xét thực hiện các trình tự tách đấu nối bắt buộc theo quy định tại khoản 3, Điều 60 Thông tư Quy định hệ thống điện phân phối. 
(Mọi chi tiết cần giải đáp, hướng dẫn thực hiện, liên hệ ông: Lê Văn Phong - Chuyên viên phòng Quản lý Công nghiệp và Năng lượng - Sở Công Thương Thái Nguyên - Số điện thoại: 07997 36389)
Với nội dung trên, Sở Công Thương đề nghị các tổ chức, cá nhân có đường dây và trạm biến áp riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nghiêm túc triển khai, thực hiện.