Trong những năm qua, Sở Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ nhằm đẩy mạnh công tác Cải cách hành chính (CCHC), hiện đại hóa nền hành chính hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Công tác CCHC luôn được công chức, viên chức (CCVC) Sở Công Thương xác định là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần trực tiếp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với khẩu hiệu Công Thương Thái Nguyên sát cánh, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, tập thể lãnh đạo Sở cùng toàn thể cán bộ, công chức tập trung quyết liệt thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, trong đó đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến toàn thể người dân, doanh nghiệp

Để thực hiện tốt công tác CCHC, Sở Công Thương luôn chú trọng quan tâm công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng nhiều phần mềm vào giải quyết công việc chuyên môn như: phần mềm quản lý văn bản, một cửa điện tử, quản lý tài sản, kế toán, … Nghiêm túc tiến hành rà soát, đánh giá, bổ sung hoàn thiện Bộ TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Sở; cập nhật thường xuyên bộ 123 thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công của tỉnh, đồng bộ cơ sở dữ liệu với cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo 100% thủ tục hành chính được cập nhật nội dung thường xuyên, phù hợp thực hiện trên môi trường internet.

Kể từ đầu năm 2020, 100% văn bản thực hiện gửi, nhận theo quy trình điện tử, cụ thể: Ban hành 2289 văn bản và 243 quyết định, xử lý 6915 văn bản đến. Lịch công tác của lãnh đạo đã được cập nhật thường xuyên trên phần mềm và hiển thị công khai trên màn hình tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Hiện nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở là 123 TTHC; trong đó:

- Số lượng TTHC thực hiện một cửa điện tử: 123/123 TTHC đạt tỉ lệ 100%;

- Số lượng TTHC thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích: 22 TTHC đạt tỉ lệ 18,6%;

- Số lượng TTHC thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến: 38 TTHC đạt tỉ lệ 31%; toàn bộ là TTHC mức độ 4.

Bộ phận một cửa nhận hồ sơ giải quyết TTHC

Năm 2019 Sở Công Thương thực hiện tiếp nhận 9853 hồ sơ, 100% hồ sơ giải quyết đúng hẹn trong đó có 4851 hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến đạt tỉ lệ 49,2%. Năm 2020, Sở Công Thương đã xử lý 11893 hồ sơ thủ tục hành chính qua phần mềm một cửa điện tử, trong đó có 6879 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến, chiếm tỉ lệ 57,8%; 5014 hồ sơ được số hóa và đưa lên phần mềm; hồ sơ đảm bảo 100% đúng và trước hạn, không có hồ sơ quá hạn. Số liệu về giải quyết thủ tục hành chính được in, chiết xuất trực tiếp từ phần mềm, hỗ trợ tra cứu kết quả trên cổng dịch vụ công của Tỉnh, cho phép cá nhân, tổ chức thực hiện gửi, nhận hồ sơ trực tuyến và tra cứu dễ dàng kết quả.

Tỷ lệ Hồ sơ tiếp nhận trực tuyến và giải quyết tăng cao đã góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong năm 2020 nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn ra phức tạp trong thời gian vừa qua, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của chính quyền là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thành công Chính quyền điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, thời gian qua Sở Công Thương luôn chủ động đổi mới và đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công, tăng cường ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong giải quyết TTHC, kết hợp duy trì các quy trình,  áp dụng có hiệu lực, hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã thực hiện nhiều nội dung cải cách mang tính đồng bộ khác như cải cách thể chế, cải cách bộ máy, từng bước hiện đại hóa nền hành chính … nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho tổ chức, doanh nghiệp, công dân khi thực hiện TTHC thuộc lĩnh vực của ngành. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành để rút ngắn thời gian xử lý, nâng cao chất lượng công việc. Mặt khác, xây dựng đội ngũ CCVC theo vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tăng cường việc giám sát quá trình giải quyết công việc của CCVC theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.