Trong 9 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước nhờ chuỗi sản xuất phục hồi với đơn hàng truyền thống tăng trở lại. Các nền kinh tế lớn trên thế giới triển khai tiêm phòng vắc xin để phòng dịch Covid-19, đồng thời từng bước mở cửa trở lại để khôi phục kinh tế. Một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đi vào thực thi. Đặc biệt, các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều dấu hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp dệt may hiện đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý I/2022. Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu đối với mặt hàng quần áo tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa. Nhờ đó ngành dệt may trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. 

Công nhân trong dây chuyền may xuất khẩu của TNG Thái Nguyên

 

Các doanh nghiệp trong ngành dệt may của tỉnh như Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT,… đều đang nỗ lực nối lại nguồn cung nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc, khôi phục xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu cho nên sản xuất được phục hồi gần như bình thường. Cùng với đó, các đơn vị đã chủ động nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu sản xuất, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa các sản phẩm (khẩu trang, bộ đồ y tế phòng dịch...). Theo báo cáo tài chính tháng 10/2021 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, lợi nhuận sau thuế tháng 10 của công ty đạt 24,2 tỷ đồng, tăng 6,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với mức tăng 39%. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng, cho thấy các đơn vị doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đã thích ứng được với bối cảnh mới, bắt nhịp cùng thời cuộc, từng bước phát triển ngày càng vững mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

CTV.XTTM