Tham dự buổi làm việc tại tỉnh Thái Nguyên có Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Vũ Hồng Bắc – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND; lãnh đạo, đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang; lãnh đạo một số bộ, cơ quan Trung ương và các Sở, Ban, Ngành tỉnh Thái Nguyên.

Trước buổi làm việc, Tổ công tác đã khảo sát hạ tầng công nghệ thông tin, khả năng đáp ứng việc triển khai, đáp ứng các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử tại: Trung tâm tích hợp dữ liệu, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thái Nguyên; bộ phận một cửa nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính Sở Công Thương…

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thăm quan bộ phận một cửa của Sở công thương tỉnh Thái Nguyên.

Phát biểu tại buổi làm việc, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “Quyết tâm không để nhiệm vụ nào không được thực hiện, không nhiệm vụ nào quá hạn”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, đề nghị các địa phương báo cáo, đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách TTHC; nêu rõ các khó khăn, vướng mắc, bất cập và đề xuất hướng giải quyết. Đồng chí cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP nêu rõ, mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Lưu ý địa phương việc cung cấp các dịch vụ công, số lượng dịch vụ được công bố không quan trọng bằng số hồ sơ phát sinh, làm sao để giải quyết được nhiều hồ sơ nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc các tỉnh đã báo cáo tổ công tác về tình hình thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách hành chính tại địa phương. Qua đó tổ công tác nắm bắt chính xác tình hình thực hiện của từng địa phương: Tất cả các tỉnh đã triển khai kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp đăng nhập một lần, đồng bộ trạng thái hồ sơ. Về triển khai cải cách thủ tục hành chính, các tỉnh đã thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, tham gia ý kiến, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính, rà soát, công bố, công khai thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Một số địa phương có tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn cao như Lạng Sơn đạt 99,82%, Thái Nguyên đạt 99,36%, Tuyên Quang  đạt 99%. Bên cạnh đó vẫn còn địa phương có tỷ lệ giải quyết hồ sơ quá hạn còn cao.

Tuy vậy, trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử, 6 tỉnh miền núi phía Bắc đang gặp phải một số khó khăn vướng mắc như: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, các nền tảng xây dựng chính quyền điện tử và các kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội khác đang trong giai đoạn nâng cấp, cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một số dịch vụ công đã được tích hợp, cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tuy nhiên các quy định pháp luật để thực hiện các dịch vụ công trên chưa phù hợp đáp ứng yêu cầu nộp hồ sơ, nhận kết quả trên môi trường điện tử. Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là cấp huyện và cấp xã chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin một số cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế...

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu trong thời gian tới các địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 01 của Chính phủ, góp phần thực hiện quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ. Lưu ý các địa phương đã làm tốt việc kết nối các cơ quan nhà nước với nhau song quan trọng là phải chuyển đổi sang chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp là nhiệm vụ phải đặc biệt quan tâm. Trong đó đồng chí nhấn mạnh mục tiêu tới cuối năm nay, ít nhất phải có 30% dịch vụ công của các bộ, cơ quan, địa phương được đồng bộ, kết nối trên Cổng dịch vụ công quốc gia; phải cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, cắt bỏ tất cả những gì là rào cản, giấy phép con…

TT.XTTM