Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Quang Tiến, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên chú trọng phát triển cây chè và các sản phẩm nông nghiệp như: miến dong Việt Cường, nem bùi, na, bưởi, nấm Phú Gia… dựa trên phát triển chuỗi giá trị của các ngành hàng có lợi thế, các sản phẩm bản địa phù hợp với thị trường và điều kiện của từng địa phương. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng, giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động. Tăng cường công tác quản lý để giữ được chất lượng và thương hiệu các sản phẩm đã được công nhận như: Các thương hiệu chè, miến dong, gạo Bao thai Định Hóa và các sản phẩm OCOP. Hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp nông thôn gắn với xây dựng làng nghề. Tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm sản và sản phẩm công nghiệp của tỉnh.

Báo cáo về tình hình sản xuất hàng hóa và nhu cầu kết nối tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Nguyễn Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và đạt được những thành tựu quan trọng. Một số sản phẩm nông sản như: Chè, miến dong, mỳ gạo, gạo Bao Thai Định Hóa, tương Úc Kỳ đã trở thành hàng hóa và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, có chỗ đứng trên thị trường, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Toàn tỉnh đã có 51 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên; 30 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh còn gặp một số khó khăn: Các HTX, hộ kinh doanh sản xuất nông sản chủ yếu canh tác theo tập quán truyền thống, chưa chú trọng việc cấp các loại chứng nhận như VietGAP, hữu cơ; quy mô sản xuất còn nhỏ khó đáp ứng các đơn hàng lớn; năng lực quản trị sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX còn hạn chế; việc tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Hội nghị đã thảo luận, đánh giá, phân tích và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển sản xuất và kết nối thị trường hàng hóa tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới. Bà Đinh Hải Vân - Giám đốc thu mua miền Bắc Siêu thị Big C đề nghị, tỉnh quan tâm hơn nữa về chất lượng, mẫu mã sản phẩm; quy hoạch vùng sản xuất phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến với tỉnh.

Tại Hội nghị, đã có 06 hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ hợp tác về cung ứng sản phẩm được ký kết./.


 












Đại diện Siêu thị ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

 

Đại diện Siêu thị tư vấn quy trình đưa hàng vào siêu thị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.