Dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng xây dựng NTM ở Thái Nguyên vẫn còn nhiều việc phải làm khi mà nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM chưa đáp ứng so với yêu cầu. Thêm vào đó là những yếu tố như công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình còn hạn chế…

Trạm biến áp xóm Ba Họ, xã Yên Ninh (Phú Lương) được hoàn thành tháng 12-2012 với tổng kinh phí xây dựng trên 3 tỷ đồng, do ngành Điện và Ban Quản lý Dự án điện nông thôn REII (Sở Công Thương) làm chủ đầu tư, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Năm 2013, toàn tỉnh phấn đấu không còn xã dưới 5 tiêu chí; số xã đạt từ 5-8 tiêu chí là 79; số xã đạt từ 9-13 tiêu chí là 50; số xã đạt từ 14-18 tiêu chí: 14. Riêng 35 xã điểm, số xã đạt từ  9-13 tiêu chí: 26 xã; số xã đạt từ 14-18 tiêu chí: 9 xã. Đến năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu có 35 xã NTM.

 

Kỳ II: Thách thức còn ở phía trước

 

 

Còn đó những khó khăn

 

Để thực hiện Chương trình xây dựng NTM thì nguồn lực đầu tư đóng vai trò rất quan trọng. Ông Hoàng Cường Quốc, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trước đây, ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí cho các xã nông thôn thực hiện 7 nội dung là: công tác quy hoạch; đường giao thông đến trung tâm xã; xây dựng trụ sở xã; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hoá xã; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng NTM cho cán bộ xã, thôn bản, cán bộ hợp tác xã. Tuy nhiên, từ tháng 6/2012, Trung ương chỉ đồng ý hỗ trợ cho 3 nội dung là: công tác quy hoạch; đào tạo, tập huấn cán bộ; xây dựng trụ sở xã nên nguồn vốn đầu tư cho các xã nông thôn của tỉnh bị giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, 2 năm qua, tỉnh ta cũng chưa huy động được nhiều nguồn vốn trong xã hội đầu tư cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn nhất là từ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp; nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho 35 xã điểm xây dựng NTM còn thấp; đời sống của nhân dân vùng nông thôn còn khó khăn.

 

Hơn nữa, công tác tập huấn, tuyên truyền ở một số địa phương chưa sát thực tế; nội dung còn nặng về phổ biến các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, chưa đi sâu tuyên truyền những việc cụ thể, cách làm thiết thực, hiệu quả. Anh Trần Trọng Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cho rằng việc xây dựng NTM là trách nhiệm của Nhà nước, chưa xác định được trước tiên là trách nhiệm của nhân dân, của toàn xã hội. Việc quản lý Nhà nước ở một số địa phương còn lòng lẻo đã dẫn đến những sai phạm. Đơn cử như việc làm thất thoát xi măng của Chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn năm 2012 tại xóm Giếng, xã Hồng Tiến (Phổ Yên), hiện đang được chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

 

Sau 2 năm thực hiện Chương trình này, một trong những khó khăn phải kể đến nữa là tỉnh ta vẫn chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung và các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, manh mún. Công tác lập quy hoạch, xây dựng Đề án NTM còn chậm so với chỉ đạo của Trung ương; hầu hết các xã và đơn vị tư vấn đều lúng túng trong thực hiện, nhất là quy hoạch và định hướng về phát triển sản xuất nông nghiệp. Chất lượng quy hoạch ở một số địa phương còn chưa đảm bảo theo yêu cầu, thiếu liên kết vùng, chưa đưa ra và phát huy được những thế mạnh của mỗi địa phương. Số tiêu chí đạt chuẩn của các xã không đồng đều; tiêu chí về giao thông, cơ sở vật chất, văn hoá, thu nhập, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường… ở các xã nông thôn đạt thấp (giao thông: chỉ có 1 xã đạt, thuỷ lợi: 5, điện: 15, trường học: 13, chợ nông thôn: 4, bưu điện: 20, nhà ở dân cư: 5, thu nhập: 2, hộ nghèo: 6, giáo dục: 17, y tế: 21, văn hoá: 12, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội: 45, an ninh trật tự xã hội: 3 xã)…

 

Nhiều giải pháp khả thi

 

Để có nguồn lực thực hiện Chương trình này, thời gian tới, tỉnh sẽ khuyến khích, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư, hỗ trợ Chương trình xây dựng NTM với các hình thức liên doanh, liên kết: “tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân”. Nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trình HĐND tỉnh để triển khai thực hiện. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn với Chương trình xây dựng NTM để tăng hiệu quả đầu tư; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho 35 xã điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015.

 

Mới đây, tỉnh cũng đã quyết định, từ năm nay đến năm 2015, 35 xã điểm sẽ được tỉnh đầu tư 2 tỷ đồng/xã/năm để thực hiện Chương trình Xây dựng NTM; 108 xã còn lại được đầu tư 600 triệu đồng/xã/năm. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ khoảng 7 tỷ đồng để đầu tư trực tiếp sản xuất nhân rộng các hình thức sản xuất có hiệu quả kinh tế lớn, những sản phẩm có thế mạnh gắn với ứng dụng khoa học công nghệ cao để nâng cao thu nhập cho người dân. Việc tỉnh ta tiếp tục thực hiện chủ trương cho vay xi măng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn cũng sẽ là đòn bẩy để các địa phương tích cực tham gia xây dựng NTM một cách tích cực hơn.

 

Theo đó, các cấp, ngành liên quan sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân thông qua việc tăng cường, đổi mới các hình thức tuyên truyền. Trong đó, phát huy vai trò, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội cùng tham gia xây dựng NTM. Đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả như: tổ, nhóm, hiệp hội làng nghề, hợp tác xã…

 

Để Chương trình xây dựng NTM cán đích thành công, ngoài sự nỗ lực của các cấp, ngành thì người nông dân cũng cần tích cực hơn nữa để phát huy vai trò chủ thể của mình.

 

 * Theo Báo Thái Nguyên