Sau trận mưa khá lớn cuối tháng 6, những đồi chè ở xóm 9, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) như bừng lên trong nắng. Màu xanh non mơn mởn của những búp chè trải dài khắp nơi.
 
Đang vào vụ thu hái chè, từ sáng sớm, bà con đã có mặt ở trên đồi, khắp nơi, tiếng nói cười râm ran. Trong câu chuyện của các bà, các chị… chúng tôi thấy nhiều người đang trao đổi với nhau về quy trình sản xuất chè an toàn. Ông Nông Văn Hải, Phó trưởng xóm 9 cho biết: Từ khi gần 12ha chè của 22 gia đình trong xóm được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (11/2012), hơn 100 hộ dân ở đây đã quan tâm đến sản xuất chè an toàn nhiều hơn. Bà con đã hiểu, sản xuất chè an toàn không chỉ bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn cho cả người sản xuất. Trong tương lai lâu dài, sản phẩm chè an toàn của Sông Cầu sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
 
Các hộ dân tham gia mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xóm 9, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) kiểm tra lại sổ nhật ký ghi chép.
 
 
 
Tháng 11/2011, khi được sở Nông nghiệp và PTNT lựa chọn thực hiện mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, 22 hộ dân trong xóm đã hồ hởi tham gia. Anh Nguyễn Đức Trọng, một hộ dân tham gia mô hình này chia sẻ: Lúc mới áp dụng quy trình này vào sản xuất chè, tôi thấy rất khó khăn vì phải ghi nhật ký chăm sóc chè hằng ngày. Hôm nay, phun thuốc ở bãi chè này, ngày mai bón phân ở bãi chè kia đều phải ghi vào nhật ký một cách tỉ mỉ. Cứ phải lưu tâm những việc như thế, ban đầu tôi thấy rất mất thời gian. Nhưng qua một thời gian thực hiện, tôi và bà con ở đây cũng quen dần. Sản xuất chè an toàn là phải như thế, có ghi chép đầy đủ nhật ký phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh, bón phân cho chè thì mới nhớ rõ thời gian cách ly để đảm bảo sản phẩm làm ra được an toàn, có thuy truy nguyên được nguồn gốc.
 
 
 
Sau một thời gian áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, khoảng 6 tạ chè búp khô/năm thu được từ 0,3ha chè của gia đình anh Trọng đã cho thu nhập cao hơn từ 2-3 triệu đồng/tạ. Với những diện tích chè cành đặc sản như LDP1, giá bán có thể cao hơn trước đây từ 5 đến 6 triệu đồng/tạ. Cùng chung suy nghĩ của anh Trọng, chị Phạm Thị Ngũ cũng tham gia mô hình này cho hay: Sản xuất chè theo phương thức truyền thống, người nông dân phun thuốc, bón phân cho chè một cách ồ ạt. Như thế không những sản phẩm kém chất lượng mà bà con còn tự làm lãng phí chi phí đầu tư. Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, ngoài việc phun đúng, phun đủ các loại thuốc bảo vệ thực vật; bón phân cân đối, tiết kiệm được chi phí đầu vào thì chất lượng sản phẩm chè cũng được nâng lên, tiêu thụ trên thị trường dễ dàng hơn. Theo tính toán của chị Ngũ, gia đình chị có 1ha chè, trong đó một nửa diện tích trồng các giống chè cành LDP1, chè Nhật, phần còn lại là chè trung du. Trước đây, mỗi năm chị thu khoảng 72-75 triệu đồng thì nay có thể tăng lên 80-85 triệu đồng. Còn anh Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ cho rằng, sản xuất chè an toàn sẽ giúp người dân nâng cao được tính cộng đồng, có trách nhiệm hơn với sản phẩm do mình sản xuất ra.
 
 
 
Hiện nguồn thu chính của trên 100 hộ dân của xóm  9 chủ yếu là cây chè. Nhờ trồng chè, nhiều hộ dân đã xây được nhà, mua được xe máy và các vật dụng cần thiết trong gia đình. Tuy nhiên, với  tiềm năng, thế mạnh của một vùng chè đặc sản, những năm trước giá chè ở đây bán ra vẫn ở mức thấp, trung bình chỉ khoảng 120 đến 150 nghìn đồng/kg, cá biệt mới có loại chè được bán ra với giá 200 nghìn đồng/kg, nhưng nay đã tăng được khoảng 20-30 thậm chí là 50% so với trước. Hiệu quả của việc sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã được khẳng định ở xóm 9 sẽ là hướng mở cho các hộ sản xuất chè trong xóm nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất trồng chè. Ông Vũ Đình Cam, Trưởng xóm 9 nói: Thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động các hộ dân mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn ra 37/37 ha chè của xóm. Dù vậy, điều tôi lo lắng là hiện tại, chè an toàn chưa được đánh giá đúng với giá trị thực vì vẫn còn trình trạng “lập lờ đánh lận con đen” khi mà không ít lái buôn đã làm giả nhãn mác, ảnh hưởng đến uy tín chất lượng chè an toàn. Bởi vậy, chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc, có chế tài cụ thể, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm để người làm chè chúng tôi yên tâm làm ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.
 
 
*Theo Báo Thái Nguyên