Chăn nuôi đang tạo nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân ở tỉnh ta. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng đàn vật nuôi thì tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi cũng đang ở chiều hướng báo động.
 


Trang trại chăn nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Thành, xóm Trạng Đài, xã Tân Kim (Phú Bình).

Hiện, toàn tỉnh có 674 trang trại, gia trại, trong đó có 274 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn; 353 trang trại, gia trại chăn nuôi gà; 47 trang trại, gia trại còn lại chăn nuôi trâu, ngựa, dê, nhím, chồn, rắn. Trong đó, Phú Bình là địa phương có số trang trại lớn nhất (68 trang trại lợn, 125 trang trại gà), tiếp đến là Phú Lương (93 trang trại lợn, 41 trang trại gà); T.P Thái Nguyên (18 trang trại lợn, 59 trang trại gà); Phổ Yên (44 trang trại lợn, 30 trang trại gà)… Đa số các trang trại, gia trại nằm xen kẽ trong các khu dân cư, có quỹ đất nhỏ, hẹp, không đủ diện tích để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép; không đảm bảo khoảng cách vệ sinh đến khu dân cư.

 

Bà Nguyễn Thị Hoài, một người dân xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn - địa phương có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gà của T.P Thái Nguyên nói: Mùi hôi thối từ chất thải chăn nuôi khiến người dân chúng tôi rất khó chịu. Đó là chưa kể chất thải từ chăn nuôi đang có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh.

 

Ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Trong hoạt động chăn nuôi, chất thải chăn nuôi lợn là nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn các loại chăn nuôi khác. Toàn tỉnh có 274 trang trại, gia trại lợn, thì khoảng 90% có quy mô chăn nuôi dưới 1.000 con/năm; 10% còn lại quy mô chăn nuôi trên 1.000 con/năm. Chất thải từ các trang trại, gia trại này hầu hết được xử lý bằng hệ thống biogas nên chỉ giải quyết được vấn đề thu hồi khí sinh học để tận thu làm nhiên liệu, còn mức độ giảm thiểu ô nhiễm không đáng kể, do vậy, không giải quyết được vấn đề ô nhiễm nước và mùi hôi thối. Điều đáng lưu tâm nữa là hầu hết hệ thống biogas ở các trang trại, gia trại này đều xây dựng nhỏ hơn mức độ cần thiết nên hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường càng hạn chế, nhiều khi không có tác dụng, đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đơn cử như trang trại chăn nuôi của bà Nguyễn Thị Thảo, xóm Đức Hòa, xã Thịnh Đức; bà Nguyễn Thị Mai, ông Nguyễn Anh Tuấn đều ở xóm Soi Vàng, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), hàm lượng các chất gây ô nhiễm thải ra môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước sông Công. Nhiều trang trại khác như hợp tác xã chăn nuôi Thắng Lợi (T.X Sông Công); Trại Giống lợn Tân Thái, xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ)… cũng gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho người dân sống quanh khu vực chăn nuôi.

 

Trên thực tế, công nghệ xử lý biogas không xử lý triệt để được nguồn gây ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi, do đó rất cần có các biện pháp hỗ trợ, xử lý sau biogas. Tuy nhiên, những biện pháp hỗ trợ này cũng chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm chứ chưa xử lý được triệt để các chất gây ô nhiễm đạt tiêu chuẩn cho phép. Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ: Chi phí đầu tư và vận hành để xử lý triệt để các chất gây ô nhiễm rất tốn kém; các biện pháp hỗ trợ sau biogas lại cần có diện tích đất để xây dựng các ao hồ sinh học, vườn cây nhằm tận dụng nước thải làm nước tưới… nên việc đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận kinh doanh của trang trại. Bởi vậy, hầu hết các chủ trang trại đều trốn tránh đầu tư đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường cần thiết. Trong khi đó, quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức ở tất cả các cấp, ngành. Lâu nay, trong các quy hoạch phát triển chăn nuôi của các địa phương hầu như mới quan tâm đến các chỉ tiêu, giải pháp kinh tế mà chưa có các quy định, giải pháp bảo vệ môi trường cụ thể, chưa có quy hoạch và tiêu chí quy hoạch vùng chăn nuôi đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ trang trại, gia trại còn rất hạn chế…

 

Nhằm khắc phục và giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra, thời gian vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 11 trang trại chăn nuôi lợn tập trung trên địa bàn tỉnh, qua đó đã xử lý 4 trang trại với số tiền phạt trên 100 triệu đồng do chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra ngoài môi trường… Sự cương quyết của các cấp, ngành liên quan đã góp phần nâng cao ý thức của người chăn nuôi. Đến nay, đã có 69/674 trang trại có báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường…

 

Thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp để giải quyết tình trạng này. Trong đó, giải pháp tối ưu nhất là ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với ngành Nông nghiệp tăng cường kiểm tra, xử lý, đình chỉ sản xuất đối với các trang trại có hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đôn đốc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm; yêu cầu các trang trại phải có đầy đủ công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu về xử lý ô nhiễm (được cơ quan chức năng xác nhận trước khi đưa vào hoạt động); khẩn trương quy hoạch vùng chăn nuôi cho từng loại vật nuôi, từng bước hạn chế, không cho phép chăn nuôi gia trại, chăn nuôi quy mô nhỏ trong khu dân cư; triển khai ứng dụng mô hình xử lý nước thải sau hệ thống biogas, làm cơ sở hướng dẫn, nhân rộng áp dụng cho các trang trại.\

*Theo Báo Thái Nguyên