Nhằm chia sẻ kinh nghiệm về triển khai các dự án sản xuất sạch hơn (SXSH) cho các doanh nghiệp trên bàn và các tỉnh trung du miền núi Bắc bộ, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phất triển công nghiệp Thái Nguyên (Sở Công Thương Thái Nguyên) đã tổ chức Hội thảo và tham quan chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh lân cận về thực hiện SXSH trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.

Đến tháng 12/2010, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 10.942 cơ sở sản xuất công nghiệp (SXCN), trong đó, công nghiệp chế biến có 10.414 cơ sở, chiếm trên 90% số lượng các cơ sở SXCN trên địa bàn; Công nghiệp khai khoáng có 377 cơ sở, 151 cơ sở và doanh nghiệp công nghiệp sản xuất, phân phối điện nước và xử lý chất thải. Con số này nói lên sự bùng nổ nhanh các loại hình doanh nghiệp và như vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là mối quan tâm của các câp, ban ngành tỉnh Thái Nguyên.

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức về SXSH và định hướng cho các cơ sở công nghiệp nông thôn về phát triển gắn với bảo vệ môi trường, Sở Công Thương Thái Nguyên đã tổ chức triển khai các giải pháp áp dụng sản xuất sạch cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, giai đoạn đoạn 2007-2010, khi tỉnh Thái nguyên đã được Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI - Bộ Công Thương) lựa chọn 7 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thực hiện các dự án trình diễn SXSH. Đến nay, 7 dự án được trình diễn của Thái Nguyên đã và đang tiếp tục áp dụng các giải pháp SXSH như dự án trình diễn của Nhà máy Xi măng Lưu Xá; Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên; Xí nghiệp tấm lợp; Nhà máy kẽm điện phân - Công ty Kim loại màu Thái Nguyên... Có thể nói, đây là giai đoạn mà Thái Nguyên triển khai SXSH mạnh mẽ và đồng bộ nhất từ trước tới nay. 


Từ kết quả áp dụng SXSH của các dự án trình diễn, Thái Nguyên đã tiếp tục phổ biến và nhân rộng mô hình tiêu biểu đối với các doanh nghiệp SXCN trên địa bàn như Nhà máy Xi măng Lưu Xá, xuất phát từ những khó khăn về giá nguyên, nhiên liệu biến động, bắt đầu từ năm 2002, Nhà máy Xi măng Lưu Xá đã áp dụng những giải pháp đầu tiên, tuy nhiên do chưa có nhiều kinh nghiệm nên kết quả thu được không đáng kể. Năm 2007, sau khi nhận được sự hỗ trợ của Hợp phần CPI và Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, Nhà máy đã bắt đầu tham gia xây dựng kế hoạch SXSH. Từ đó, hàng loạt những giải pháp SXSH đã được áp dụng tại Nhà máy. Cụ thể, một loạt các giải pháp như thay thế và sửa chữa các đệm bị hỏng; cải tiến tháo clinker cấp trực tiếp lên ô tô; quét, thu hồi nguyên liệu rơi vãi… đã được tiến hành. Nhờ những giải pháp này, lượng bụi đã giảm đáng kể và tiết kiệm lượng nguyên, nhiên liệu lớn. Hay như Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên, đã đầu tư vào cải tạo, nâng cấp hệ thống thu hồi bột giấy và tuần hoàn nước thải sau xeo giấy; hệ thống hút bụi, khử mùi ở các phân xưởng sản xuất với tổng mức đầu tư gần 1,7 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, Công ty đã tiết giảm lượng bột giấy hàng năm do sử dụng bột thu hồi là 400 tấn, giảm 250 nghìn m3 nước thải do sử dụng tuần hoàn, giảm 52,2 tấn lượng thải phát sinh SO2... Đối với Công ty Kim loại màu Thái Nguyên, qua thực tế khảo sát, Công ty đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: Cải tạo, nâng cấp lò quay số 1, thay đổi công nghệ thu hồi sản phẩm của lò này; Đầu tư nâng cấp khu vực chứa nguyên, nhiên liệu như quặng, than, đá vôi; Cải tiến thiết bị xử lý chuẩn bị nguyên liệu trước khi đưa vào lò; Nâng cấp hệ thống giao thông nội bộ. 


Ông Nguyễn Khắc Đức - Đội trưởng Đội SXSH của Nhà máy Xi măng Lưu Xá cho rằng, trước hết, doanh nghiệp cần phải có cái nhìn đúng đắn về SXSH và người lãnh đạo có quyết tâm cao trong việc thực hiện dự án. Mặt khác, Nhà nước nên tăng cường hướng dẫn các phương pháp SXSH và cơ chế hỗ trợ cho việc thực hiện SXSH cũng như việc thực hiện tiết kiệm điện năng.


Đại diện của Sở Công Thương Hải Dương cho rằng, việc tham gia SXSH trong công nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp SXCN. Từ việc quản lý nội vi tốt, doanh nghiệp chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, giảm thiểu chất thải và phòng ngừa ô nhiễm tại nguồn, từ đó mang lại các lợi ích kinh tế và phát triển bền vững.


Từ kinh nghiệm áp dụng các giải pháp SXSH của một số doanh nghiệp tham gia thực hiện, các đại biểu cũng đã thảo luận nêu lên những thách thức đối với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện như quản lý nội vi tốt, thay thế nguyên vật liệu, kiểm soát quá trình sản xuất, cải tiến trang thiết bị, đổi mới công nghệ, tuần hoàn và tái sử dụng nguồn tài nguyên.


Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Đinh Khắc Hiển - Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên cho rằng, việc thực hiện SXSH tại các cơ sở SXCN phải là việc làm thường xuyên và lâu dài. Ban đầu sẽ gặp không ít khó khăn do nhận thức của phần lớn CBCNV trong các cơ sở sản xuất chưa đúng đắn và đầy đủ về SXSH, tiếp theo là do sức ép về vốn của các doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực cấp bách khác.


Với kinh nghiệm sau 4 năm triển khai Hợp phần CPI, năm 2011, Thái Nguyên dự kiến trình diễn 10 dự án SXSH.


*Theo TCCN