Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của tỉnh đang đứng trước nhiều khó khăn về nguyên liệu, nhân lực, đầu ra sản phẩm... do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sẽ phải giảm công suất.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) của tỉnh Thái Nguyên ước đạt trên 254 nghìn tỷ đồng, tuy chỉ đạt 30,2% kế hoạch năm, vẫn tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Góp sức vào đà tăng trưởng phải kể đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: Dệt may, Sản xuất sản phẩm điện tử, vật liệu xây dựng... 

Sở Công Thương đồng hành và sát cánh cùng các doanh nghiệp gặp khó khăn khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong trường hợp xấu nhất là phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất do thiếu hụt nguồn nguyên, phụ liệu và linh kiện đầu vào, các doanh nghiệp sẽ phải chịu rất nhiều chi phí phát sinh như: Các chi phí vốn vay ngân hàng, duy tu bảo trì máy móc trong quá trình tạm ngưng sản xuất, chi phí trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động... Để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, hiện nay, ngành Công Thương đang tập trung các giải pháp, trước mắt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần sự hỗ trợ, tích cực huy động sản phẩm ngay tại thị trường nội địa.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Công nghiệp của tỉnh vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đặc biệt là một số nhóm ngành như: Khai thác khoáng sản (giảm 18,2% so với cùng kỳ); sản xuất và phân phối điện (giảm 3,1% so với cùng kỳ)... 

Theo Sở Công Thương, giá trị SXCN của tỉnh không đạt được mức tăng bình quân chung của năm nhưng vẫn tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Để có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp thì cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành đã quyết tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Để hoàn thành chỉ tiêu giá trị SXCN năm 2021, từ nay đến hết năm, ngành Công nghiệp phải đạt 586 nghìn tỷ đồng. Đây là áp lực lớn đối với tỉnh bởi tình hình dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp. 

Để hoàn thành mục tiêu này, trong thời gian tới, tỉnh sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp về thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị và cho người lao động; phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; triển khai các đề án, chương trình xúc tiến thương mại và chương trình khuyến công; kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động; tiếp tục đề nghị các bộ, ngành Trung ương ưu tiên nguồn vốn cho các dự án công thương lớn trên địa bàn tỉnh.
Cộng tác viên XTTM.