Với mong muốn tạo nên sự công bằng, minh bạch và hiệu quả, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính còn được xác định là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tại Sở Công Thương Thái Nguyên, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong các khâu đột phá trong hoạt động cải cách hành chính đã được Sở triển khai hiệu quả nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính. 
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thăm quan bộ phận một cửa của Sở công thương tỉnh Thái Nguyên.

Thực hiện Nghị quyết về chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Công Thương Thái Nguyên đang tiếp nhận và giải quyết 123 thủ tục hành chính, trong đó đã có tới 66 thủ tục được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đặc biệt số hồ sơ giải quyết thông qua hình thức này chiếm đại đa số. Trong năm 2020, đã có gần 11.000 hồ sơ được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, chiếm xấp xỉ 90% tổng số hồ sơ tiếp nhận của Sở. Với việc áp dụng môi trường điện tử, việc xử lý hồ sơ được triển khai nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng nhu cầu đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp. Từ năm 2017 đến nay Sở Công Thương luôn đứng ở thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính hàng năm cấp Sở, ngành, địa phương. 

Hình ảnh tại bộ phận một cửa của Sở Công Thương
Để tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian tới, Sở Công Thương cũng sẽ tích cực triển khai sâu rộng, thực hiện tốt Nghị quyết về chuyển đổi số của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đến toàn thể cán bộ, công nhân viên chức của ngành, tiếp tục đẩy mạnh giải quyết dịch vụ công trực tuyến để tất cả các thủ tục của ngành Công Thương sẽ được phục vụ nhân dân ở mức độ 4; đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, người dân và doanh nghiệp; phát triển nền tảng số; tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin đã được đầu tư; phát triển thương mại điện tử, kinh tế số; đổi mới sáng tạo, hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào việc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền theo hướng hiện đại.

TT. XTTM